Ukraine từng được mệnh danh là "vựa lúa mì châu Âu" với những cánh đồng lúa bát ngát và những mảnh đất màu mỡ. Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, kinh tế Ukraine nhanh chóng rơi xuống vực thẳm.
Theo trang tin History News Network tại Đại học George Mason (Mỹ), trong năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người của Ukraine còn thấp hơn cả Namibia và Iraq, thấp hơn Nga 3,2 lần và thấp hơn Hy Lạp 3,6 lần. Đây chính là giai đoạn Ukraine rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và "chần chừ" quyết định gắn bó với Liên minh châu Âu (EU).
Phương Tây khó lòng giúp đỡ
Tình hình kinh tế ngày càng bi đát khi Ukraine lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị với những bất đồng nội bộ sâu sắc. Đồng nội tệ của Ukraine nhanh chóng xuống giá. Trong năm 2014, Hryvnia bị đánh giá là đồng tiền sụt giá nghiêm trọng nhất trên thế giới. Nhằm cứu vớt tình hình, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mỹ và EU đã cam kết tài trợ cho Ukraine khoản tiền 27 tỷ USD để chi trả các khoản nợ tài chính.
Ngay cả lệnh trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt với Nga cũng không thể tạo nhiều tác động. Bởi Ukraine vẫn phải vật lộn chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Năm tới trong bối cảnh nền kinh tế ngày một bất ổn, chủ quyền lãnh thổ mất dần cùng một đội quân vô tổ chức bị các đảng phái xé lẻ chỉ huy.
Một điều trớ trêu là chính phủ lâm thời Kiev sẽ chỉ thoát được mối lo xâm lược quốc gia nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện những cam kết trong bản hiệp ước 4 bên được ký kết hôm 17/4 tại Geneva nhằm giảm bớt tình hình căng thẳng tại Ukraine. Trong đó, việc Matxcova nên làm là rút bớt trong số 40.000 binh sĩ đóng quân tại khu vực biên giới phía tây và gây áp lực buộc các lực lượng thân Nga hoạt động trên lãnh thổ Ukraine hạ vũ khí.
Bài toán đặt ra hiện nay là chính phủ lâm thời Kiev cần tìm ra giải pháp tạo mối liên kế bền chặt giữa các thành phố và thị trấn trước khi lực lượng thân Nga "kích động" người dân hợp tác với Matxcova để chống lại Kiev.
Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Ukraine đã không làm như vậy. Hôm 15/4, Kiev đã triển khai "chiến dịch chống khủng bố" nhằm trấn áp các phần tử thân Nga tại khu vực phía đông Ukraine.
Theo hãng tin CNN, ngay sáng hôm sau (16/4), 6 xe bọc thép được quân đội Ukraine điều động tới thành phố Kramatorsk đã nhanh chóng treo cờ Nga khi tới Slaviansk. Trái với tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine rằng số xe tăng và binh sĩ trên đã bị bắt giữ trái phép, phía giới chức Nga khẳng định chính các binh sĩ Ukraine đã quyết định "bắt tay" với Nga.
Không thể sống thiếu Nga
Một sự thật không thể phủ nhận, Ukraine sẽ không thể tồn tại mà thiếu Nga. Do đó, Mỹ và EU sẽ chỉ "phí công" để kích động một chính phủ mới tại Ukraine sau cuộc bầu cử tổng thống khi làm trái với quy luật này. Ngoài ra, chính phủ Ukraine sẽ không thể duy trì quyền lực mà vắng bóng sự bảo trợ lớn từ nước ngoài. Nguồn bảo trợ này không ai khác là Nga – cường quốc dẫn đầu với cả hai vai trò: người bảo vệ và nguồn cung tài chính.
Sau khi Nga sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea, 50% lực lượng Hải quân Ukraine đã tìm kiếm cơ hội ưu ái từ Matxcova để trở thành công dân Nga và đăng ký phục vụ trong Hạm đội Biển Đen của Nga. Số binh sĩ còn lại chỉ còn cách đóng gói tư trang rời khỏi các căn cứ quân sự đóng trên bán đảo Crimea.
Theo đánh giá của tạp chí Forbes, nếu tổng nợ của Ukraine vượt quá 60% GDP, trong năm nay, nguy cơ vỡ nợ của Ukraine sẽ ở mức "cực kỳ nguy hiểm". Thậm chí trong năm 2012, Tập đoàn kiểm toán Ernst &Young còn xếp hạng Ukraine là quốc gia đứng thứ ba thế giới về tham nhũng.Lâu nay, Ukraine còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung nhiên liệu của Nga để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Ukraine nhập khẩu tới 63% lượng khí đốt từ Matxcova. Ngoài ra, Ukraine hiện đang nợ Tập đoàn khí đốt lớn nhất nước Nga Gazprom tới 1,7 tỷ USD cho các loại hóa đơn chưa thanh toán. Tình hình còn trở nên bi đát hơn khi hôm 1/4, Gazprom tuyên bố tăng giá bán khí đốt tiêu dùng cho Ukraine thêm 44%.
Còn theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Nga cung cấp 32% lượng hàng nhập khẩu vào Ukraine. Trong khi, con số này đối với 28 thành viên của EU là 31%. Trong lĩnh vực xuất khẩu, Nga tiêu thụ 26% hàng hóa của Ukraine và EU nhập 25% hàng hóa từ Ukraine.
Ngay cả tỷ lệ chiến thắng giữa ứng cử viên thân phương Tây và phương Đông trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine giai đoạn 2004 – 2010 cũng rất sát sao. Trong năm 2004, ứng cử viên thân phương Tây đã giành chiến thắng trước đối thủ thân phương Đông với tỷ lệ ủng hộ 52%/44%. Tới năm 2010, tình thế thay đổi khi ứng cử viên thân phương Đông (cựu Tổng thống Viktor Yanukovych) đánh bại đối thủ thân phương Tây với tỷ lệ ủng hộ 48,95%/45,47%.
Một điều thú vị là bản đồ phân cực kinh tế của Ukraine cũng cho thấy những khu vực thân Nga (miền đông Ukraine) lại thịnh vượng hơn nhiều so với các vùng ủng hộ EU (miền tây Ukraine). Khu vực giàu có nhất tại Ukraine là Donetsk. Tháng 12/2013, mức thu nhập hàng tháng của người dân Donetsk là 4.117 Hryvnia – cao hơn 150% so với 3 vùng nghèo nhất tại khu phía tây Ukraine. Ngoài ra, thủ đô Kiev là khu vực có mức lương trung bình cao nhất với 5.618 Hryvnia/tháng.
Nguồn Infonet
Đăng nhận xét