Xuất khẩu của Mỹ tăng mạnh nhất trong 9 tháng giúp thu hẹp thâm hụt thương mại trong tháng 3.
Bộ Thương mại cho biết, thâm hụt thương mại giảm 3,6% xuống 40,4 tỷ USD so với tháng trước đó là 41,9 tỷ USD. Doanh số bán hàng cho nước ngoài tăng 2,1% lên mức cao kỷ lục do nhu cầu về máy bay, ôtô và nhiên liệu tăng cao. Số liệu này càng chứng tỏ nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý II.
Thâm hụt thương mại giảm cho thấy, sự phục hồi trong nhu cầu của thế giới sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển.
Giá trị xuất khẩu tăng lên 193,9 tỷ USD so với 190 tỷ USD trong tháng 2 nhờ nhu cầu lên cao kỷ lục của Canada, Hàn Quốc và các nước thuộc khu vực thương mại CAFTA-DR - gồm khu vực Trung Mỹ và Cộng hòa Dominica. Hoạt động vận chuyển sang Đức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Ngoại trừ dầu, xuất khẩu đã đạt mức cao chưa từng thấy trong tháng 3.
Đồng thời, các hộ gia đình và doanh nghiệp đang dần lấy lại niềm tin với kinh tế Mỹ khi thị trường việc làm đã có những cải thiện, dự báo, nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng.
Giá trị nhập khẩu tăng 1,1% lên 234,3 tỷ USD so với 231,8 tỷ USD trong tháng 2 do nhu cầu của người Mỹ về điện thoại di động, thiết bị bán dẫn và máy bay dân sự do nước ngoài sản xuất tăng lên, thể hiện sự phục hồi trong đầu tư kinh doanh. Ngoại trừ dầu, nhập khẩu của Mỹ cũng đạt mức kỷ lục trong tháng 3.
Khoảng cách thương mại với Trung Quốc giảm 2,2% xuống 20,4 tỷ USD so với 20,9 tỷ USD trong tháng 2. Theo số liệu của Chương trình So sánh Quốc tế, Trung Quốc dự kiến sẽ "chiếm ngôi vị" là nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ xét về sức mua.
Theo chỉ số niềm tin tiêu dùng của Bloomberg, niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục thứ 2 trong hơn 6 năm vào tuần trước nhờ quan điểm ngày càng lạc quan về nguồn tài chính của hộ gia đình và xu hướng mua phát triển mạnh. Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị cũng có thể gây gián đoạn hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg
Đăng nhận xét