Chính sách thuế mới áp dụng đối với các ngân hàng nước ngoài được Mỹ sử dụng làm vũ khí đe dọa Tổng thống Nga Putin.
Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực trừng phạt Nga vì động thái của nước này ở Ukraine, Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị triển khai một vũ khí kinh tế có thể khiến Nga phải gánh nhiều thiệt hại hơn so với các lệnh trừng phat: Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS).
Mùa hè này, Mỹ có kế hoạch bắt đầu áp dụng luật mới khiến các ngân hàng Nga sẽ phải chịu nhiều chi phí hơn khi kinh doanh ở Mỹ.
“Đây là một thỏa thuận lớn”, Mark E. Matthews – cựu ủy viên của IRS – nhận định. Ông cho rằng chính sách này sẽ tạo nên sự mơ hồ trong cộng đồng ngân hàng Nga.
Năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn tình trạng tình trạng trốn thuế của người nước ngoài. Bắt đầu từ tháng 7 tới, các ngân hàng Mỹ được yêu cầu phải đánh thuế 30% vào một số khoản thanh toán chuyển đến các định chế tài chính ở nước ngoài. Loại thuế này được miễn chỉ khi các ngân hàng nước ngoài này có thỏa thuận chia sẻ thông tin về chủ tài khoản với IRS. Đồng thời, chính sách thuế mới được áp dụng chủ yếu với thu nhập từ đầu tư.
Nga và khoảng một chục quốc gia khác đang nỗ lực đàm phán thỏa thuận chia sẻ thông tin với Mỹ nhằm tránh loại thuế nặng nề này.
Tuy nhiên, sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga và phong trào lý khai ở miền Đông Ukraine dâng cao, Bộ Tài chính Mỹ đã lặng lẽ ngừng đàm phán kể từ tháng 3. Và, với thời hạn 1/7 đang cận kề, các ngân hàng Nga giờ đây lo ngại cái giá để đầu tư ở Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên.
Áp dụng luật mới có nghĩa là các ngân hàng Nga mua chứng khoán Mỹ sau ngày 1/7 sẽ phải chịu mức thuế 30% đánh vào lãi suất và cổ tức. Loại thuế này áp dụng với cổ phiếu và trái phiếu, trong đó có trái phiếu Kho bạc Mỹ. Một số tài khoản đã sở hữu các loại tài sản này từ trước có thể được miễn thuế, nhưng số đó chiếm tỷ lệ không lớn.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sử dụng các định chế tài chính Nga để tiến hành giao dịch cũng phải chịu thuế. Họ có thể nộp đơn lên IRS để được hoàn thuế, nhưng quá trình này gây nhiều bất tiện.
Theo Matthews, đây là một vấn đề lớn vì chính sách mới làm giảm khả năng cạnh tranh của các định chế tài chính Nga và do đó dòng vốn có thể tháo chạy khỏi các tổ chức này.
Mỹ và Nga là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 27 tỷ USD hàng hóa từ Nga và xuất khẩu 11 tỷ USD hàng hóa sang Nga.
Nếu quá trình đàm phán không có tiến triển, loại thuế mới này được mở rộng hơn nữa vào năm 2017.
Hơn 50 quốc gia đã đạt được thỏa thuận chia sẻ thông tin với Mỹ và trong số này có cả những nước vốn nổi tiếng về tính bảo mật của hệ thống ngân hàng như Thụy Sĩ và đảo Cayman.
Đối với Nga, chính sách này sẽ gây nhiều thiệt hại hơn cả các lệnh trừng phạt. Trong khi lệnh trừng phạt chỉ giới hạn ở một số cá nhân và ngân hàng mục tiêu, chính sách này áp dụng với mọi thành phần trên thị trường.
Bộ Tài chính Mỹ từng nói các ngân hàng Nga vẫn có thể tự áp dụng thỏa thuận chia sẻ thông tin về các chủ tài khoản trực tiếp với IRS. Tuy nhiên, các ngân hàng này sẽ đứng trước rủi ro vi phạm luật bảo vệ thông tin cá nhân của Nga.
Đây là vấn đề mà các ngân hàng trên khắp thế giới đang gặp phải, nhưng các ngân hàng Nga còn có một thử thách khác: thời gian. Tháng 6 tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố danh sách các ngân hàng nước ngoài được miễn trừ.
Theo Trí Thức Trẻ/AP